Quản trị mạng là một công việc có phạm vi tương đối rộng bao gồm chuỗi các hoạt động quản lý, kiểm soát mạng lưới gồm hệ thống máy chủ, dịch vụ hỗ trợ... và những người làm công việc đó được gọi chung là những quản trị viên, họ có trách nhiệm đảm bảo cho mạng lưới đó hoạt động hiệu quả, cung cấp, đáp ứng được các chỉ tiêu định ra.
Công việc quản trị mạng bao gồm:
- Đảm bảo an ninh mạng: Thiết kế hệ thống bảo mật, giữ gìn hệ thống này, kiểm tra, giám sát hệ thống nhằm phát hiện những tấn công trái phép từ bên ngoài nhằm phá hoại, ăn cắp dữ liệu của hệ thống.
- Hiệu suất hoạt động: Loại bỏ tắc nghẽn mạng, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tường lửa, phát hiện và sửa các lỗi trên hệ thống mạng
- Quản trị người dùng, dịch vụ mạng: bao gồm các công tác quản lý người sử dụng trên hệ thống và đảm bảo dịch vụ cung cấp có độ tin cậy cao, chất lượng đảm bảo theo đúng các chỉ tiêu đã đề ra.
- Quản trị cấu hình, tài nguyên mạng: Bao gồm các công tác quản lý, kiểm soát cấu hình, quản lý tài nguyên cấp phát cho các đối tượng sử dụng khác nhau.
Quản trị mạng có thể chia làm 2 mảng chính:
- Quản trị mạng văn phòng đó là công việc quản trị web site, bảo mật hệ thống, cần nhiều kiến thức lặt vặt kể cả sửa chữa máy tính. Công cụ chủ yếu dùng cho quản trị mạng văn phòng là dùng đồ của Microsoft.
- Quản trị hệ thống lớn thì yêu cầu kiến thức rất cao cấp. Muốn quản trị được những hệ thống như vậy trước hêt phải nắm vững kiến thức cơ bản rất chắc như CCNA, và phải được tiếp xúc với những thiết bị cao cấp của Cisco hay một số hãng lớn chuyên về mạng như Nortel, Alcatel...
Để quản trị mạng cần những kiến thức gì?
Để có thể theo đuổi việc học quản trị mạng, trước hết, bạn phải sử dụng máy tính tương đối thành thạo.
Ở đây không cần bạn phải giỏi về Office mà đòi hỏi bạn phải nắm được những kiến thức cơ bản về cấu trúc máy tính, biết chút ít về phần cứng, về chuyện lắp ráp, cài đặt.
Trong đó, khái niệm và thao tác với file, folder, hệ điều hành, các thiết bị như card màn hình, CD-ROM là rất quan trọng. Bạn có thể không biết vẽ đồ thị trong Word, nhưng bạn phải biết driver là gì, cài đặt ứng dụng ra sao.
Một kỹ năng khác mà các khóa học chuẩn ít khi đề cập, nhưng chúng tôi lại thấy khá quan trọng, là việc sử dụng Internet. Bạn nên biết những ý niệm chung về domain name, về e-mail và biết cách tìm kiếm thông tin trên mạng.
Một yếu tố khác cần quan tâm là khả năng đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành. Cho dù chương trình đào tạo đã được Việt hóa, khả năng Anh ngữ vẫn cần thiết để tự học, tìm tòi sách trên mạng. Chỉ sử dụng sách tiếng Việt thì không đủ để cập nhật kiến thức mới. Ngoài ra, bạn sẽ có một lợi thế nếu biết về các hệ cơ số, nhất là hệ nhị phân.
Học quản trị mạng ở đâu tốt nhất?
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều trường lớp, trung tâm đào tạo quản trị mạng uy tín, chất lượng như: trung tâm tin học Đại học Khoa Học Tự Nhiên, trung tâm Đào tạo và thi chứng chỉ quốc tế PNH, trung tâm đào tạo chuyên gia mạng NewStar, hay trung tâm tin học VnPro,... nếu có thời gian bạn hãy tìm hiểu để đăng ký 1 vài khóa học và trải nghiệm.
Còn với người không có thời gian cố định trong ngày thì học trực tuyến là một giải pháp khá được ưa chuộng từ 2016 nhưng đôi khi hơi bất tiện vì nếu thắc mắc hoặc bí bài, không gặp giáo viên online thì phải chờ, hoặc gặp nhưng giáo viên quá bận nên chưa trả lời được. Tuy nhiên, hình thức dạy và học trực tuyến vẫn là hình thức tốt nhất để đáp ứng nhu cầu học cho mọi người trong thời buổi mà mọi việc đều phải chạy đua với thời gian như hiện nay.