Tại sao sinh viên, thế hệ được đào tạo để nắm giữ tri thức và tiếp quản những vai trò trọng yếu của quốc gia, lại trở thành một tầng lớp yếu thế và dễ bị tổn thương đến vậy?
Bốn lý do dưới đây sẽ phần nào lý giải hiện tượng này.
1. “Một cổ hai tròng”: Sinh viên bị quản lý cả ngoài nhà trường và trên Internet
Việc ban hành
Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo hệ đại học chính quy đã làm sinh viên chịu “một cổ hai tròng.”
Thông tư này quy định rất rõ về những điều sinh viên không được làm. Ví dụ: khoản 4, điều 6 của thông tư này quy định sinh viên không được “tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc ngoài xã hội”.
Và khoản 9, điều 6: “Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet”.
Căn cứ vào thông tư này, sinh viên không chỉ là một công dân chịu sự điều chỉnh của hiến pháp, pháp luật mà còn phải chịu sự quản lý của nhà trường thậm chí ở ngoài nhà trường và trên Internet.
Sinh viên hoạt động ngoài nhà trường và trên Internet là với tư cách công dân, không phải với tư cách sinh viên. Hoạt động này chỉ nên được điều chỉnh bởi hiến pháp, pháp luật. Nhà trường không nên có quyền kiểm soát hoạt động này.
Quy định này sẽ tăng áp lực cho nhà trường, vì ngoài hoạt động đào tạo, họ phải tăng cường quản lý và việc quản lý sinh viên ngoài nhà trường và trên Internet, vốn là việc không dễ.
Gần 3 triệu sinh viên sẽ chịu nhiều áp lực “một cổ hai tròng”, bị phân biệt đối xử vì nếu là sinh viên thì lại bị quản lý chặt hơn một công dân bình thường.
2. Thiếu cơ chế hữu hiệu để sinh viên tự bảo vệ mình trước nhà trường
Về cơ bản, sinh viên có hai cách để tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của họ:
– thông qua cơ chế xử lý khiếu nại trong trường;
– thông qua các cơ chế khiếu nại và tố tụng ngoài trường.
Hiện nay việc tiếp nhận ý kiến của sinh viên được thực hiện theo quy định tiếp công dân của các trường, các buổi sinh hoạt đầu khóa, đầu năm, cuối năm và sinh hoạt tại lớp.
Nhưng chưa có nhiều trường hướng dẫn sinh viên khiếu nại tại nhà trường, theo từng bước cụ thể. Kể cả trong thông tư trên quy định rất rõ về việc kỷ luật sinh viên nhưng lại không có hướng dẫn chi tiết nào giúp sinh viên khiếu nại.
Việc khiếu nại theo từng bước sẽ giúp sinh viên giải quyết vấn đề của mình sớm, có khi không cần đến những khiếu nại “to tát” đến ban giám hiệu hay kiện ra tòa án.
Đại học Victoria – Úc hướng dẫn sinh viên khiếu nại theo từng bước cụ thể như sau:
– Bước 1: Nói chuyện với giảng viên, nhân viên những người có liên quan đến vấn đề của mình;
– Bước 2: Yêu cầu Dịch vụ tư vấn sinh viên hỗ trợ về cách giải quyết, miễn phí và bí mật;
– Bước 3: Yêu cầu có một cố vấn riêng, thay sinh viên giải quyết vấn đề với nhà trường.
– Nếu chưa hài lòng, nhà trường sẽ đối thoại trực tiếp với sinh viên.
– Cuối cùng, nếu vẫn chưa hài lòng, sinh viên có thể khiếu nại đến thanh tra của bang để tiếp tục giải quyết.
Sinh viên có thể khởi kiện nhà trường ra toà không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, đến lượt mình, toà án ở Việt Nam cũng ít khi là nơi người dân có thể trông cậy để tìm kiếm công lý và công bằng.
3. Chưa có hội độc lập bảo vệ sinh viên
Điều lệ Hội sinh viên Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có khẳng định bảo vệ quyền lợi của sinh viên. Nhưng Hội và Đoàn cấp cơ sở không đủ độc lập vì vẫn trực thuộc và bị quản lý bởi nhà trường và đoàn, hội cấp trên.
Hội Sinh viên Việt Nam không có vai trò đáng kể nào trong việc bảo vệ quyền của sinh viên. Ảnh:
#VietAppsMặc dù một phần tài chính của Hội, Đoàn này đến từ sinh viên (đoàn phí, hội phí), nhưng thực tế, Hội, Đoàn này bị chi phối bởi nhà trường, giúp nhà trường, nhà nước quản lý sinh viên hơn là bảo vệ quyền lợi của sinh viên.
Do Việt Nam chưa có các quy định cởi mở về tự do hiệp hội nên hiếm có hội nào đủ độc lập, đứng ra bảo vệ quyền lợi của sinh viên.
Khi có mâu thuẫn, sinh viên thường bơ vơ, vừa không hiểu rõ pháp luật vừa sợ việc học bị ảnh hưởng nên ngậm ngùi chịu đựng.
4. Sinh viên không biết rõ quyền của mình
Hầu hết sinh viên đều học qua môn Pháp luật đại cương, tuy nhiên sau đó sinh viên thường ngại hoặc không tìm hiểu, cập nhật các quy định của pháp luật.
Một mặt là do các văn bản này dài, phức tạp. Sinh viên thường nghĩ nó không ảnh hưởng đến mình. Mặt khác là do nhà trường không chủ động giải thích cho sinh viên sự ảnh hưởng của các quy định.
Điều này dẫn đến sinh viên không hiểu biết gì về quyền và nghĩa vụ của mình. Ví dụ như quyền được giám sát, đảm bảo về chất lượng đào tạo, nghĩa vụ công khai thu chi hằng năm của nhà trường, quyền về khiếu nại, tố cáo.
Tin nhắn không cho phép chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội tại Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: Fanpage Sinh viên nói vì sinh viên.
Việc này cũng hạn chế sinh viên lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho mình. Ví dụ như thông tư được đề cập ở đầu bài, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của sinh viên.
Một ví dụ khác, nếu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân biết các quy định về công khai học phí, mức trần học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghị quyết thí điểm về tự chủ học phí thì sinh viên chỉ cần căn cứ vào đó phản ánh với nhà trường và Bộ thì sẽ khó có chuyện Đại học Kinh tế Quốc dân đột ngột tăng học phí đến 30%.
Bạn có đồng ý với bài viết này không? Hãy phản hồi cho Luật Khoa trong phần bình luận dưới đây hoặc gửi bài viết của bạn tới
editor@luatkhoa.org.
Tài liệu tham khảo:
Nguồn: http://luatkhoa.org/