Để biết được sự khác nhau giữa tiền giấy và tiền vàng, bạc chúng ta cần điểm qua sơ lược vài nét về lịch sử hình thành và phát triển tiền tệ
Lịch sử hình thành và phát triển của tiền tệ
Từ rất sớm trong lịch sử loài người đã xuất hiện nhu cầu phải có một hình thức tiền tệ làm trung gian trao đổi. Thổ dân ở các bờ biển châu Á, châu Phi, trước đây đã dùng vỏ sò, vỏ ốc làm tiền tệ. Lúa mì và đại mạch được sử dụng ở vùng Lưỡng Hà, gạo được dùng ở quần đảo Philippines, trước Công nguyên, ở Trung Quốc kê và lụa được sử dụng làm tiền tệ…
Dùng tiền tệ bằng hàng hoá như trên có những bất tiện nhất định trong quá trình phục vụ trao đổi, như dễ hư hỏng, không đồng nhất,… nên không được mọi người mọi nơi chấp nhận, do đó dẫn đến việc sử dụng tiền tệ bằng kim loại. Dần dần mọi người thống nhất với nhau dùng các lọai kim lọai quý như vàng bạc để làm tiền tệ. Nhưng số lượng các kim lọai quý như vàng bạc không có nhiều so với nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của mọi người, từ đó đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của tiền giấy.
Lúc đầu tiền giấy được bảo chứng bằng vàng, bạc, giá trị của tiền giấy hình thành từ trị giá vật đối ứng (như vàng, bạc,…được ký gởi ở ngân hàng) mà tiền giấy đại diện cho chúng. Tiền giấy được mô tả là loại tiền tệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, do các chính phủ đã lạm dụng phát hành đưa ra quá nhiều tiền giấy vào lưu thông nên đã gây ra lạm phát. Do các vấn đề này mà dần dần người sử dụng tiền giấy mất lòng tin về nó, không còn thích sử dụng tiền giấy nữa.
Vì vậy, ngày nay để đảm bảo giá trị của tiền giấy, thì giá trị của tiền giấy cần phải được hình thành và bảo đảm bằng giá trị của vật đối chứng, bằng giá trị các loại vật tư hàng hóa (trong đó có vàng, bạc,..) hiện có được trên thị trường (tại các DNTM).
Tiền vàng, bạc là loại hàng hoá đặc biệt, tự nó đảm bảo giá trị cho chính nó, tiền vàng, bạc tự nó có thể mua được chính nó, vì vậy việc phát hành tiền kim loại vàng, bạc nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không gây ra lạm phát.
Tiền giấy là một loại tem phiếu đặc biệt, một loại giấy nợ đặc biệt của xã hội (các DNTM) đối với những người sở hữu nó. Ai có được tiền giấy, người đó có quyền yêu cầu xã hội (các DNTM) đưa lại (trả lại) bằng những sản phẩm hàng hoá cụ thể có giá trị tương ứng với con số giá trị được ghi trên tiền giấy đó. Tiền giấy không có giá trị thực, bản thân nó không thể đảm bảo giá trị cho chính nó, nên việc phát hành ra quá nhiều tiền giấy mà không có căn cứ, không có vật đối chứng đảm bảo giá trị cho nó, thì sẽ gây ra lạm phát.
Sự khác nhau giữa tiền giấy và tiền vàng:
– Khác nhau về thời gian hình thành: Tiền vàng, bạc có trước, tiền giấy có sau.
– Khác nhau về chất liệu cấu thành: tiền vàng, bạc thì được làm bằng chất liệu vàng, bạc, còn tiền giấy thì được làm bằng chất liệu chủ yếu là giấy.
– Khác nhau về bản chất: Tiền vàng, bạc là loại hàng hoá đặc biệt, còn tiền giấy là loại tem phiếu đặc biệt, loại giấy nợ đặc biệt.
- Khác nhau về vật bảo đảm giá trị: đối với tiền kim lọai vàng, bạc thì vật đảm bảo giá trị là chính bản thân vàng bạc tạo nên đồng tiền, còn đối với tiền giấy thì vật đảm bảo giá trị nằm ở bên ngòai bản thân đồng tiền.
- Khác nhau về kết quả phát hành: phát hành tiền vàng, bạc bao nhiêu cũng được vẫn không gây ra lạm phát, còn lạm dụng phát hành tiền giấy ra quá nhiều thì sẽ gây ra lạm phát.
Trên đây chúng ta nói về sự khác biệt giữa tiền vàng, bạc với tiền giấy. Còn các dạng khác như bút tệ, tiền điện tử, ngân phiếu,… cũng được xem là các dạng khác của tiền tệ để thay thế cho tiền giấy/tiền vàng bạc, nó cũng còn được xem là các công cụ thanh tóan để giúp cho sự chuyển trả tiền, thanh tóan công nợ bằng tiền của mọi người cho nhau được an toàn, nhanh chóng, và thuận tiện hơn.